Tổng số lượt xem trang

Thứ Bảy, 20 tháng 2, 2010

Đoàn Chuẩn

Đoàn Chuẩn: Những mối tình không sống nổi qua thu



Trong những ngày thu tháng mười – mùa đẹp nhất của Hà thành – dọc đường Nguyễn Du hoa sữa lại sáng lên rực rỡ nồng nàn, mặt hồ Thiền Quang lăn tăn trầm mặc, xao xuyến đưa đẩy theo những cung sâu lắng, duyên dáng: “Thu đi, cho lá vàng bay. Lá rơi, cho đám cưới về. Ngày mai, người em nhỏ bé, ngồi trên thuyền hoa…” Và từng dòng xe cộ rối bời trên những con phố “Lá đổ  muôn chiều, ôi lá úa! Phải chăng là nước mắt người đi. Em ơi, xin đừng dối lòng. Dù sao đi nữa, không nhớ đến tình đôi ta…”
Đi tìm lời giải cho những “ẩn số” tình ca
Đoàn Chuẩn đã “Chuyển bến” về nơi thiên đàng, sau một đời lặn lội trong tình yêu và  âm nhạc nhưng gia tài chắt lọc từ trái tim và khối óc của “ông vua nhạc tình” thì còn để lại mãi mãi. Những “Cánh hoa duyên kiếp” thuở nào quấn quýt “lan hương màu trắng” như tấm lòng trọn vẹn, ép vào “Lá thư” đem “Gửi gió cho mây ngàn bay”, để vương vấn mãi chút “Tình nghệ sĩ”, trong mùa “Thu quyến rũ” với bao “Tà áo xanh”…Nhớ đến Đoàn Chuẩn, xưa nay người ta vẫn lầm tưởng “Tình nghệ sĩ” (1948) là ca khúc đầu tiên của ông, nhưng thực ra không phải thế. “Ánh trăng mùa thu” (sáng tác năm 1947) mới là bản nhạc đầu tiên, được viết tại làng Đống Năm (Thái Bình) đề từ: “Kỷ niệm những ngày ở Khuốc, Thu 1947”. Lời đề từ và ca khúc đầu tiên được giữ bản quyền cho tới cuối đời đã gây nên bao nhiêu nghi án xung quanh Đoàn Chuẩn.
Thứ nhất, người ta tự hỏi không biết ông đã có những kỷ niệm gì ở Khuốc?
Thứ hai, liệu đó có phải là hình ảnh một cô gái làng Chèo trẻ trung phơi phới nào đó không mà nhạc và lời đều da diết thế? “Chờ trăng lên, ánh trăng e lệ mãi. Vương vấn mong lá rơi bên thềm vắng… Rồi trăng lên, ánh trăng mơ huyền quá. Âu yếm hoa ý thơ dịu dàng say… Đến nay còn mơ, ánh trăng mùa thu”.
Bởi vì ông sở hữu một trái tim đa cảm. Thêm nữa, ông vốn nổi tiếng là cậu ấm công tử Hà thành (sinh ở Hải Phòng nhưng trưởng thành ở Hà Nội), con trai chủ hãng nước mắm Vạn Vân có tiếng khắp Đông Dương bấy giờ. Ông sành điệu mà tinh tế, tay chơi nhưng lãng tử, lại khó tính cầu kỳ chứ không phải kiểu người lang bạt. Khó có thể nói hết đã có bao nhiêu bóng hồng “ám ảnh” trên những khuông nhạc thăng giáng của cuộc đời ông.Bờ vai ga lăng của nhạc sĩ Đoàn Chuẩn chắc chắn đã có quá nhiều người đẹp nép vào. Cho nên mỗi ca khúc ra đời lại là một ẩn số khác nhau. “Tình nghệ sĩ” (Đây khách ly hương mấy thu vàng ấm. Nơi quán cô đơn mơ qua trùng song. Mơ tới bên em em tô quầng mắt. Em tôi ngập ngừng trong tấm áo nhung…) được viết bởi một cô chủ quán xinh đẹp của café Mai Hương.
                                 
                                                                   Ca sỹ Mộc Lan

Đoàn Chuẩn có mối tình với một người phụ nữ ở phố Bát Đàn, khi đó, ông viết nên ca khúc “Thu quyến rũ”, “Chuyển bến”. Mộc Lan – cô ca sĩ ở Sài Gòn ra Hà Nội biểu diễn, hát rất nhiều nhạc của ông. Đoàn Chuẩn rất cảm động trước giọng hát của cô, đã đưa cô đi chơi Đồ Sơn, và ngay trên đường trở về, ông đã hoàn thành bài “Gửi gió cho mây ngàn bay”.Sau này, ông còn gửi hoa cho Mộc Lan rất nhiều, và sinh ra thêm được bài “Cánh hoa duyên kiếp”.



            Mộc Lan 1950

Cho đến khi ca sĩ Thanh Hằng xuất hiện thì ông bị đánh gục bởi tiếng sét ái tình. Đó là cuộc thi của Đài Pháp Á (năm 1953), Thanh Hằng 19 tuổi, quá xinh đẹp, hát nhạc Đoàn Chuẩn “đỉnh điểm”. Say mê cô ca sĩ trẻ, ông đã viết thêm một loạt ca khúc.
                 
                          Mộc Lan hiện nay
Cũng vào năm 1953, bà Đoàn Chuẩn đã tổ chức một chương trình ca nhạc riêng gồm các tác phẩm của ông, thuê rạp Eden (rạp Công nhân bây giờ). Thanh Hằng hát tất cả các ca khúc của Đoàn Chuẩn. Chương trình gây được tiếng vang lớn trong lòng công chúng.
Nhưng câu chuyện cảm động giữa ba người chỉ kéo dài được tới cuối năm thì lý trí của ông dường như bắt đầu bị che phủ, dần dần ông không còn tỉnh táo mà chỉ lao theo tiếng gọi của con tim. Việc bà Đoàn Chuẩn đến gặp cô ca sĩ trẻ là có thật. Bà bình dị hỏi Thanh Hằng có yêu ông Đoàn Chuẩn không? Cô ca sĩ nói có. Bà bảo cô hãy hiểu rằng tôi còn yêu ông ấy gấp 10 lần cô. Nếu ông ấy bỏ tôi theo cô thì sau này ông ấy cũng có thể bỏ cô theo người khác. Thêm nữa, nếu cô thật lòng với ông ấy, thì tôi xin gửi gắm cô cả ba đứa con, cô cũng thương lấy chúng nóVậy mà Thanh Hằng tỉnh ngộ. Cô xé đi tất cả những bản nhạc, thư từ, đoạn tuyệt không bao giờ gặp lại nhạc sĩ. Thanh Hằng đi ra vùng tự do, tham gia đoàn văn công chiến khu và đổi tên thành Lê Hằng.Câu chuyện tình cảm động còn chưa hẳn đã kết thúc. Nhưng cho đến cuối đời, nhạc sĩ Đoàn Chuẩn vẫn bình yên bên người vợ tảo tần, sau mọi chặng thác ghềnh. Cho nên, bà Đoàn Chuẩn chính là một ẩn số. Bà có yêu ông không? Hay chỉ là những ngấm ngầm chịu đựng trong cuộc sống chung với một người tài?
Mùa thu của Đoàn Chuẩn rất nhiều vàng nhưng vẫn nổi bật gam màu xanh – trong veo, tràn đầy hy vọng. Đó là màu áo của người tình trong mộng, đã cho ông những xúc cảm đỉnh điểm để tạo nên sáng tác thực sự, thành thật với chính mình. Thế nhưng, trong những sáng tác của ông, đây đó ngập ngừng ẩn giấu một màu tím vô cùng giản dị, khiêm nhường. Đó lại là một ẩn số khác, mà lời giải của nó minh chứng cho mối tình của ông và người vợ kết tóc xe tơ.
Những giá trị khiến nhân thế phải nghiêng mình
Chưa có ai được nghe chính nhạc sĩ tâm sự chuyện tình cảm hay khúc mắc gia đình. Ông đã ít lời vậy, nhưng bà còn ít lời hơn. Bà Đoàn Chuẩn thực sự là một người phụ nữ đẹp, đảm đang, hết mực vì chồng con, lại không mắc tật nói nhiều. Cuộc sống của bà phần lớn là lặng lẽ, nói ít nhưng nói câu nào thì mọi người phải chịu câu đó.
Ông và bà gặp nhau trong trường lyceé, quyến luyến từ ngày đó, hồi đó ông chưa sáng tác nhưng bà phục tài chơi guitare Hawaii của ông. Sinh đến người con thứ ba thì đất nước chuyển mình trong cơn biến động. Cuộc sống riêng tư đổi thay trong vận mệnh lớn của đất nước đã đánh thức trong ông bản năng sáng tạo. Ông lang thang về Thái Bình, khi đó là vùng tự do, và thật bất ngờ, cho ra đời bản nhạc đầu tiên. Nhạc sĩ, nhà phê bình âm nhạc Thụy Kha, người thân thiết với gia đình ông bà Đoàn Chuẩn - lý giải rằng người đẹp trong “Ánh trăng mùa thu” không phải ai khác mà chính là bà Xuyên – phu nhân của nhạc sĩ. Hồi đó, trong cảnh chiến trận, nỗi nhớ thương vợ con và lo lắng cho sự an nguy của gia đình quá lớn. Nhưng ông đã giữ bản quyền, thậm chí là giữ bí mật cho riêng mình về ca khúc này cho mãi tới gần đây con cháu ông mới được một người học trò cũ của ông là nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Khôi tặng lại bản nhạc. Lý giải cho sự bí mật này, nhạc sĩ Thụy Kha cho rằng Đoàn Chuẩn khó tính lắm, nên ông chưa ưng ý lắm với giai điệu của ca khúc này. Chính vì thế, ngay cả bà Đoàn Chuẩn cũng không biết có sự hiện diện của mình trong sáng tác đầu tiên của ông.
Như bà khiêm nhường nhận lấy thì ông chỉ viết có một ca khúc cho bà thôi. Đấy là khi ông lên Việt Bắc tìm bà và gia đình đi tản cư, đưa cả nhà về Thanh Hóa, rồi sau đó mới về lại Hà Nội. Ông đã viết “Đường về Việt Bắc” hay còn gọi là “Tà áo tím”.Mặc dù rất yêu quý bà, nhưng với sự trắc ẩn của một nghệ sĩ, ông luôn có tình cảm với những người đẹp. Còn bà tôn trọng hình ảnh của chính mình trong ca khúc “Tà áo tím”, cho nên nhất nhất chính chuyên chăm chồng, nuôi con.
Nghệ sĩ guitare Hawaii Đoàn Đính – người con thứ ba của nhạc sĩ Đoàn Chuẩn – thì khẳng định những chút tím lấp ló đây đó trong các nhạc phẩm của ông đều là nỗi nhớ đến bà. Đó là chiếc áo lụa màu tím bà mặc thời đi học, là sự tảo tần của người mẹ, sự nhẫn nhịn của người vợ một đời chỉ biết phù chồng.Họ đã đi cùng nhau những chặng đường gian khó. Có thể bà không biết trước mắt vẫn còn nhiều ổ gà, nhiều rãnh xẻ. Nhưng bà cứ một mực tin vào con đường. Cho đến khi cô Hằng trở lại tiếp quản Hà Nội, gặp lại nhạc sĩ Đoàn Chuẩn, cho ông biết là bà sẽ lấy chồng. Sự chấm dứt thực sự đó khiến ông buồn nẫu ruột. Và trong lúc rơi xuống hố thẳm của chính trái tim mình, chỉ nghe vọng lại tiếng thét của một mối tình tuyệt vọng, ông đã cho ra đời một loạt ca khúc “Lá đổ muôn chiều”, “Vàng phai mấy lá”, “Chiếc lá cuối cùng”, “Vĩnh biệt”, “Tà áo xanh” (còn gọi là “Dang dở”). Điểm kết thúc chính là “Gửi người em gái miền Nam” (sau này sửa lại là “Gửi người em gái”).Giằng xé nội tâm cộng với những sự biến động của đất nước đã ra đời tập Bài ca bị xé. Cho đến giờ, các con nhạc sĩ Đoàn Chuẩn còn giữ lại tập nhạc chép tay của ông. Sau khi tuyệt vọng, đau đớn, ông đã “im tiếng” suốt 31 năm ròng, không viết một bài nào.
Năm 1988, khi ca khúc của Đoàn Chuẩn được biểu diễn trở lại, Hội nhạc sĩ đã làm chương trình Đoàn Chuẩn – 65 mùa lá đổ, gây rất nhiều tiếng vang trong giới âm nhạc. Sau đó, Đoàn Chuẩn có phổ thơ của Văn Cao (bài “Khuôn mặt em”) và phổ thơ Vân Long (bài “Thu”).Yêu ca khúc Đoàn Chuẩn, tôi nghĩ chúng ta phải trân trọng và cám ơn hai người phụ nữ quan trọng nhất đã hiện diện trong đời ông – Nhạc sĩ, nhà phê bình âm nhạc Thụy Kha bộc bạch – Một người thì đốt cháy tình yêu nghệ thuật trong ông, người kia thầm lặng đi bên cạnh ông suốt cuộc đời. Bà thực sự yêu ông sâu sắc, tận tâm, cho nên mới đồng hành được với một người nghệ sĩ như ông.Bà đã ra đi sau ông một cung đường. Có lẽ đây là cuộc hạnh ngộ lớn nhất trong sự nghiệp sáng tác của tôi, được tiếp xúc với những người lớn lao, tạo nên một thời đại. Nhạc của ông người cao sang hát mà người bình dân cũng muốn hát để với tới một thế giới của sự sang trọng và quyến rũ. Không cần những lý luận cao siêu, nhạc của ông đã và vẫn tồn tại với nhân gian.
Đoàn Chuẩn viết ít quá, nhưng lại tinh. Chỉ gần 20 ca khúc nhưng ông đã để lại cả một cột mốc trong lịch sử tình khúc Việt Nam. Nhạc của ông mang màu sắc blue sớm nhất ở Việt Nam. Do kỹ thuật vuốt của cây guitare Hawaii cho phép làm được điều đó. Nhưng kỹ thuật có thể tạo ra bản nhạc chứ không ra tác phẩm. Chính cảm xúc mạnh và sự thành thực với cảm xúc mới là yếu tố tác động lớn nhất dẫn tới ra đời các tác phẩm lớn. Ông kể ra những tình cảm yêu thương nồng nàn. Và chính trong lời nói đó đã có âm nhạc tồn tại rồi. Cả ông và bà Đoàn Chuẩn, tình cảm của họ giành cho nhau, cuộc đờ i và sự cống hiến của họ đều khiến tôi nghiêng mình kính phục”.




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét